Dung lượng thị trường còn không nhiều, cách nào để ngành dệt may đóng góp vào tăng trưởng GDP hai con số?

logo

0909 460 917 - 0938 165 597

Dung lượng thị trường còn không nhiều, cách nào để ngành dệt may đóng góp vào tăng trưởng GDP hai con số?
18/06/2025 09:53 AM 81 Lượt xem

    Theo chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, ngành dệt may đang trải qua giai đoạn biến động chưa từng có, khi phải liên tục ứng phó với dịch bệnh, xung đột địa chính trị và hiện tại là nguy cơ thuế đối ứng từ Mỹ.

    Tại ĐHĐCĐ năm 2025 diễn ra hôm 16/6, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, trong 5 năm qua thì có 4 năm ngành dệt may đặt trong bối cảnh đầy biến động: 2 năm dịch bệnh, 2 năm căng thẳng địa chính trị. Năm nay ngành tiếp tục phải trải qua một năm thuế đối ứng.

    Việc đóng cửa hoàn toàn các nhà máy khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, hay xung đột Nga - Ukraine làm cho đứt gãy chuỗi cung ứng, làm cho giá vận tải từ Việt Nam đi châu Âu, đi Mỹ tăng từ 5 đến 10 lần hay nhu cầu đột nhiên “về 0” là những vấn đề mà ngành dệt may các năm trước đây doanh nghiệp không hề gặp.

    “Việc điều hành linh hoạt, sáng tạo dựa trên dữ liệu tin cậy và năng lực dự báo là hết sức quan trọng. Không có một kinh nghiệm cũ, một bài học cũ, giải pháp cũ nào có thể tự động đưa ra áp dụng cho điều kiện mới được”, ông Trường cho biết.

    Ông cho biết, doanh nghiệp liên tục phải đưa ra các dự báo; nhưng với tình hình hiện tại khó có thể khẳng định rằng những dự báo đó là đúng và phải chấp nhận rủi ro.

    “Cơ bản cả thế giới chẳng ai dự báo được là Israel sẽ tấn công Iran cả. Cũng chẳng ai dự báo được là căng thẳng Nga-Ukraine đến nay là 3 năm 4 tháng vẫn chưa kết thúc. Cũng không ai dự báo được câu chuyện thuế đối ứng của ông Trump ra ngày 2/4 rồi mùng 9 lại hoãn, lại đàm phán đến ngày 10/7 và chúng ta cũng không thể biết được Mỹ có hoãn nữa hay không?

    Sự thực đến giờ phút này, nhất là trải qua nhiệm kỳ 2020-2025, cho thấy vốn bằng tiền, tỷ lệ sở hữu vốn đóng vai trò càng ngày càng không quan trọng bằng vốn trí tuệ, quyết định đường đi của doanh nghiệp. Bởi vì đường đi bây giờ chọn phức tạp quá”, ông Trường nói.

    Theo vị này, giai đoạn 20 năm (1995 đến 2015), chiến lược của các doanh nghiệp dệt may khá đơn giản. Ngành dệt may Việt Nam vừa có lực lượng lao động dồi dào, thu nhập còn thấp, cộng thêm nhiều FTA. Do đó, con đường phát triển của dệt may vô cùng đơn giản: đầu tư thêm nhà máy, tuyển thêm công nhân. Chiến lược này giúp sản lượng tăng, doanh thu tăng, lợi nhuận tăng và doanh nghiệp to ra.

    Với sự có mặt của các FTA và đơn hàng dồi dào, hành lang kinh doanh rộng rãi, các doanh nghiệp dệt may có thể dễ dàng tính trước được các chỉ số quan trọng của dự án mới như IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ), ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), hoặc đầu tư như thế có lợi hay không? và dựa trên tất cả yếu tố đó, doanh nghiệp quyết định có đầu tư hay không.

    Lúc đó, vai trò của Hội đồng Quản trị chủ yếu là giám sát, không để trệch đường, các thành viên có thực hiện đúng các cam kết trong các dự án hay không?

    Ngoài ra, thu nhập của người lao động của Việt Nam lúc đó vẫn còn thấp chỉ khoảng 150 USD/tháng - lợi thế lớn đối với ngành dệt may Việt Nam.

    “Giai đoạn 1995 đến 2015 - có thể nói chiến lược đó là mở rộng liên tục. Và nó khá đơn giản trong tiếp cận về phương diện chiến lược. Hội đồng Quản trị, cổ đông không phải suy nghĩ quá nhiều bởi vì dư địa vẫn còn”, ông nói.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, tình hình biến đổi rất nhanh và khó lường. Giai đoạn 2017 - 2018 ngành sợi lỗ nặng, không ai dám làm. Sang năm 2020 - 2021 ngành sợi lại thắng lớn nhưng lúc đó các nhà máy mới chưa kịp hoàn thành thì đến năm 2022 thị trường đi xuống. Giai đoạn 2022 - 2023, thị trường thậm chí còn xấu hơn giai đoạn 2017 - 2018 bởi ngành may thừa năng lực sản xuất ở khắp mọi nơi và không ai dám đầu tư mới. Thế nhưng đến năm 2024 xảy ra tình trạng thiếu hàng.

    "Câu hỏi bây giờ là làm gì để có tăng trưởng?", lãnh đạo doanh nghiệp đặt câu hỏi.

    Theo ông, chiến lược mở rộng công suất như cách đây 20 năm trong thời gian tới là không còn phù hợp vì dung lượng thị trường không còn quá nhiều. Việc dệt may đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2025 - 2025 không thể phát triển theo chiều ngang.

    “Nếu tăng trưởng 10%/ năm liên tục trong 5 năm tới thì đến năm 2030 ngành dệt may phải xuất khẩu 80 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường không còn dư địa để đạt 80 tỷ USD nếu phát triển theo chiều ngang. Như vậy là đối với dệt may thì chúng ta không thể tăng trưởng theo chiều ngang trong giai đoạn 2025-2030 được nữa”, ông Trường nói.

    Theo ông ngành dệt may muốn đóng góp vào tăng trưởng GDP hai con số thông qua việc giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu, làm tăng giá trị gia tăng trong nước và tăng thu nhập người lao động.

    "Dệt may sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP hai con số, nhưng không phải bằng con đường tăng trưởng doanh thu hai con số. Vì không thể làm như vậy được. Nếu tăng 10% để lên 80 tỷ thì bán cho ai?", ông Trường nói với cổ đông.

    Theo ông doanh thu có thể chỉ tăng 5% nhưng vì lượng nhập khẩu nguyên liệu giảm 5% bên ngành dệt may vẫn có thể đóng góp vào tăng trưởng GDP 10%. Ngoài ra, lương của người lao động tăng trưởng 8 - 10%/năm thì ngành cũng đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP hai con số.

    XƯỞNG DỆT BO - CÔNG TY TNHH MTV TRƯƠNG GIA CÁT

    Địa chỉ: 58/9-58/11 Lương Thế Vinh, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM

    Tư vấn mua hàng: 0938 165 597 (Mrs. Hà)

    Tư vấn kỹ thuật: 0909 460 917 (Mr. Thành)

    Email: xuongdetbo@gmail.com

    Fanpage: Xưởng Dệt Bo

    Instagram: Xưởng Dệt Bo

    Webiste: www.xuongdetbo.com.vn - www.xuongdetbo.com

    viber.png
    Zalo
    Hotline