Giá đơn hàng thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng được nhận định là thách thức lớn của doanh nghiệp dệt may trong nước năm 2024 và cả năm 2025.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với truyền thông xung quanh vấn đề này.
"Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam dự kiến về đích với 44 tỷ USD, theo ông, đâu là “bí quyết” giúp ngành vượt qua quá nhiều thách thức và đạt con số này?"
Trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam có một số lợi thế. Đầu tiên là lực hấp dẫn thị trường được tạo bởi sự ổn định về chính trị của đất nước. Lực hấp dẫn thứ 2 là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang và sắp được thực thi đã thu hút đáng kể nhãn hàng cũng như nhà đầu tư đến với ngành. Lực hấp dẫn thứ ba đến từ sự chuyển dịch đơn hàng giúp doanh nghiệp trong nước có đơn hàng dồi dào trong quý III và quý IV/2024.
Điều đó đã giúp ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch 44 tỷ USD theo đúng mục tiêu đề ra, con số này rất có ý nghĩa sau năm 2023 ngành dệt may gặp quá nhiều khó khăn, tăng trưởng âm.
Sự tăng trưởng của ngành trong năm 2024 cũng là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp trong kế hoạch thị trường, chấp nhận sản xuất các mặt hàng khó, mạnh tay đầu tư cho công nghệ sản xuất và ứng dụng quản trị số nhằm tăng năng suất lao động.
Được biết, đơn hàng dệt may cho những tháng đầu năm 2025 không quá khó, tuy nhiên đơn giá thấp, tiêu chuẩn về sản xuất xanh của nhà nhập khẩu ngày một ‘gắt’, ông nhận định sao về ý kiến này và doanh nghiệp trong ngành có giải pháp ứng phó ra sao?
Doanh nghiệp dệt may hiện hầu hết đã có đơn hàng cho quý I/2025, bắt đầu đàm phán cho quý II/2025, do đó vấn đề đơn hàng cho những tháng đầu năm không quan ngại lắm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp lại đối mặt với sự thay đổi trong cách mua hàng của nhãn hàng hay độ ổn định của đơn hàng. Đơn hàng đã đàm phán nhưng chỉ cần sức mua chững lại trong vòng 2 tuần đối tác sẵn sàng tạm dừng sản xuất. Về giá đơn hàng, khẳng định là không tăng, thậm chí có đối tác đàm phán giảm. Tuy nhiên, do doanh nghiệp dệt may những năm qua đã tích cực đầu tư nghiên cứu, cải tiến công nghệ, tự động hoá và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, áp dụng hệ thống quản trị số giúp nâng cao năng suất lao động, tối ưu các nguồn lực đã giúp vượt qua thách thức về giá.
Cùng đó, doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới trên nền tảng thế mạnh sản phẩm đang có bằng cách thay đổi, thêm bớt nguyên liệu, công nghệ, kỹ thuật từ phương pháp kéo sợi, nguyên liệu sợi đến hiệu ứng dệt, công nghệ nhuộm, may mặc, đóng gói. Hay phối hợp hai loại nguyên liệu khác nhau tạo hiệu ứng khác nhau trong cùng một điều kiện môi trường.
Mặt khác, một số doanh nghiệp đã coi trọng xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống tái sử dụng nước, điện...; thay lò hơi dùng than đá trong các nhà máy nhuộm bằng các nguyên liệu sinh khối khác, như trấu để giảm phát thải và nâng cao hiệu quả; ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường.
Năm 2025, ngành dệt may Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, như vậy kim ngạch phải đạt khoảng 47 - 48 tỷ USD. Để đạt con số này, ngành phải đối mặt với một số thách thức lớn.
Đầu tiên là nguồn cung thiếu hụt. Ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nếu không nhanh chóng khắc phục, doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục để vuột mất lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đây cũng là một nguyên do khiến Hiệp hội Dệt may Việt Nam liên tục kêu gọi đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt những năm qua.
Các tiêu chí, tiêu chuẩn xanh trong sản xuất hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững của các nhà nhập khẩu ngày một khó và nhiều, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng nếu không muốn mất thị phần. Để đáp ứng, doanh nghiệp phải đầu tư, công nghệ hóa, robot hóa, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và nguồn lực đầu tư là không hề nhỏ. Cùng đó là việc đầu tư, đánh giá để lấy chứng chỉ xanh, công đoạn này cũng đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Vốn cho đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững vẫn là thách thức lớn của doanh nghiệp, Hiệp hội có đề xuất gì nhằm gỡ khó, thưa ông?
Vốn luôn là ‘điểm yếu’ của doanh nghiệp, chưa kể đầu tư cho công nghệ, cho sản xuất xanh vẫn luôn đòi hỏi nguồn lực vô cùng lớn, trong khi đó doanh nghiệp dệt may trong nước hầu hết có quy mô nhỏ và vừa.
Do đó, những năm qua hiệp hội luôn đề xuất với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xây dựng quỹ hoặc nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp tiếp cận. Đồng thời có cơ chế mở để doanh nghiệp chủ động xây dựng quan hệ với các tổ chức tín dụng để có được nguồn vố xanh cho đầu tư.
Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất xanh thời gian thu hồi rất lâu, do đó về thuế nên chăng chấp nhận cho doanh nghiệp nhận hạch toán vào chi phí sản xuất để sớm hoàn vốn cho tổ chức tín dụng.
Trong Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 Chính phủ đã chủ trương xây dựng một số khu công nghiệp dành riêng cho sản xuất nguyên phụ liệu có quy mô lớn. Điều này rất cần thiết không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, giảm nhập khẩu, giảm chi phí, tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà còn giúp dệt may Việt Nam tiến cao hơn trong chuỗi cung ứng. Do đó, hiệp hội mong muốn Bộ Công Thương sớm phối hợp với các đơn vị liên quan, nhất là các địa phương triển khai các khu công nghiệp này, sớm đưa vào vận hành.