Doanh nghiệp dệt may bắt nhịp chuyển đổi số

logo

0909 460 917 - 0938 165 597

Doanh nghiệp dệt may bắt nhịp chuyển đổi số
03/11/2024 05:01 AM 93 Lượt xem

    Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã tích cực thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, sức cạnh tranh trên thị trường

    Bộ Công Thương và IDH hợp tác hỗ trợ phát triển bền vững ngành dệt may và da giày HanoiTex và HanoiFabric 2024: Đem đến công nghệ mới nhất cho ngành dệt may
    Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, doanh nghiệp dệt may đang ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại như in 3D trong thiết kế, số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tăng cường sử dụng trong thời trang sản xuất hàng may mặc sẵn theo thông số nhân trắc học. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí, cải thiện năng suất.

    Là doanh nghiệp mạnh tay trong chuyển đổi số, Tập đoàn PPJ Group hiện đang vận hành chuỗi cung ứng dệt may khép kín. Nói về điều này, ông Đặng Vũ Hùng- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PPJ Group, cho hay, hệ sinh thái số tương đối hoàn chỉnh của PPJ Group giúp tiếp cận và kiểm soát tới từng ngóc ngách của hoạt động sản xuất – kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. PPJ Group đã xây dựng, hoàn thiện và vận hành được hệ thống quản trị số toàn diện ERP, thành công mang các ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ xanh tiên tiến của thế giới vào phục vụ sản xuất kinh doanh hàng dệt may.

    PPJ Group cũng làm chủ được các kỹ thuật - công nghệ dệt may tiên tiến, tăng cường hàm lượng tự động hóa, kết hợp số - xanh trong sản xuất dệt may toàn hệ thống. “Công nghệ Laser (tạo hiệu ứng thời trang trên sản phẩm may mặc), công nghệ Diamond Finishing (giúp bề mặt vải thích ứng tốt hơn với Laser mà không cần phải sử dụng hóa chất, giặt tẩy), Eflow (giặt, nhuộm bằng các hạt khí Nanobubble, giúp tiết kiệm tối đa nước, hóa chất và điện tiêu thụ), Ozone (khử màu, khử mùi, đồng nhất màu sắc cho sản phẩm)… đã được PPJ Group tự sáng chế thiết bị để vận hành. Công nghệ 3D, Metaverse trong thiết kế, trình diễn sản phẩm cũng là thế mạnh ưu việt của PPJ Group, giúp giảm thiểu tới gần 30% mẫu vật lý – tương đương 3000 mẫu áo quần/tháng – so với cách thức thiết kế mẫu truyền thống”, ông Đặng Vũ Hùng thông tin.

    Dù đã đạt kết quả trong chuyển đổi, tuy nhiên, cả lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, PPJ Group đều đưa ra nhận định, chặng đường này rất thách thức với doanh nghiệp.

    Trong đó, chi phí cho chuyển đổi không hề nhỏ. Đối với PPJ Group, chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, PPJ Group đã đầu tư cho hệ thống vận hành số về phần cứng và phần mềm hơn 5 triệu USD; đầu tư công nghệ và chế tạo các thiết bị chuyển đổi xanh hàng chục triệu USD và con số này chắc chắn chưa dừng lại ở đó.

    Mặt khác, trong hành trình chuyển đổi, doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với khó khăn về tài chính, mà việc thiếu nguồn nhân lực giàu kỹ năng để nắm bắt, làm chủ công nghệ cũng là một rào cản lớn. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp phải thuê các chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý chủ chốt từ cấp trung tới cấp cao với chi phí khá lớn, để vận hành và áp dụng tốt các công nghệ mới của thế giới, phục vụ cho chuyển đổi nhanh và hiệu quả hơn.

    Khó khăn thuộc về khía cạnh chính sách tài chính. Hiện nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn và triển khai các gói hỗ trợ tài chính chú trọng yếu tố chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai tín dụng xanh vẫn còn nhiều rào cản do khung pháp lý chưa được hoàn thiện và cụ thể hóa, quy trình thẩm định vẫn còn khá phức tạp, đặc biệt là chưa có những tiêu chí cụ thể và minh bạch để xác định tính “xanh” của các dự án, làm căn cứ để cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp.

    Ngoài ra, do đặc thù của vận hành - sản xuất dệt may, các doanh nghiệp rất cần được các tổ chức tín dụng hỗ trợ, thiết kế các gói tài chính phù hợp để nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo sự ổn định tài chính lâu dài cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.

    Để giải tỏa những thách thức trên, ông Vũ Đức Giang cho rằng, doanh nghiệp cần trợ lực từ Chính phủ và các cơ quan chức năng. Những doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần được Nhà nước hỗ trợ thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cho vay ưu đãi...

    Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có chính sách, giải pháp để trực tiếp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế, các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh, tài chính xanh.

    Theo các chuyên gia, công nghệ là công cụ để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, đầu tiên cần có mục tiêu rõ ràng; thúc đẩy văn hoá sáng tạo; cần xây dựng hạ tầng số, bao gồm cả hạ tầng quốc gia và hạ tầng của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong quá trình số hóa, cần quan tâm và bảo vệ dữ liệu, thông tin của chính bản thân doanh nghiệp và nhân viên.
     

    viber.png
    Zalo
    Hotline